Truy cập nội dung luôn

 

Đường dây nóng Bộ Y Tế: 1900 9095, Đường dây nóng đơn vị: 0919 282 169

Chi tiết tin

Thông tin sử dụng thuốc
21/10/2019

Thuốc & Bữa Ăn.

Lựa chọn thời điểm dùng thuốc như thế nào là thích hợp? Đây là câu hỏi mà nhiều bệnh nhân lo lắng và thường hỏi nhất trong quá trình điều trị. Thức ăn, thức uống nếu được dùng chung cùng với thuốc sẽ làm ảnh hưởng, thay đổi mức độ hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ thuốc. Điều này làm thay đổi tác dụng dược lý và có thể gây độc tính đối với thuốc. Vì vậy, nếu dùng thuốc không đúng lúc có thể gây tương tác với thuốc.


Sau đây là 4 thời điểm dùng thuốc được tổng hợp trong quá trình điều trị tại bệnh viện:

 

 

  1. Thuốc nên uống vào lúc bụng no (tức uống ngay sau khi ăn)

Aspirin và các thuốc chống viêm không steroid (NSAID: Ibuprofen, Ketoprofen, Meloxicam…) được khuyên uống sau khi ăn để tránh ảnh hưởng dạ dày.

Metformin là thuốc trị ĐTĐ type 2, nên uống Metformin sau bữa ăn vì Metformin có tác dụng phụ gây rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy), nếu uống bụng trống dễ bị rối loạn tiêu hóa hơn (uống trước bữa ăn do bụng đói dễ bị nôn hơn).

  1. Thuốc nên uống vào lúc bụng đói (uống trước ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ):

Một số thuốc nên uống vào lúc bụng đói vì môi trường acid giúp hấp thu thuốc vào máu nhanh hơn để thuốc sớm cho tác dụng điều trị như thuốc bổ sung sắt (Nameviko…)

Những loại thuốc kháng sinh kém bền vững trong môi trường dịch vị hoặc bị giảm hấp thu do thức ăn nên uống 1 giờ trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Gồm có: nhóm penicillin (Amoxycillin...), nhóm cephalosporin (Cefuroxime, Cefixim...), nhóm macrolid (Azithromycin…).

Còn thuốc được bào chế dạng bao tan ở ruột (như Aspirin pH8) hay dạng phóng thích dược chất kéo dài (như Adalate LP) nên uống vào lúc bụng đói, tức để thuốc được đưa xuống ruột nhanh giúp màng bao viên thuốc không bị vỡ gây ảnh hưởng đến tác dụng thuốc.

Đối với bệnh nhân có bệnh trào ngược dạ dày và ợ hơi, nên dùng thuốc trước khi ăn để đạt hiệu quả điều trị (Fudophos…)

  1. Thuốc nên uống cùng với bữa ăn:

Các thuốc tan nhiều trong dầu mỡ như: vitamin A, D, E, K nên uống cùng bữa ăn (ngay trước hoặc ngay sau cũng được) để nhờ chất béo của thức ăn, thức uống giúp thuốc hấp thu tốt hơn.

Thuốc trợ tiêu hóa bổ sung enzyme tiêu hóa (Biosubtyl, Merika…) cũng nên uống cùng với bữa ăn (hoặc trước khi ăn 5-10 phút) để giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

  1. Thuốc uống lúc nào tùy thuộc vào tính chất của từng loại thuốc:

Thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa lipid (Atrorvastatin, Simvastatin…) nên uống sau bữa ăn tối do gan chuyển hóa phần lớn lipid trong khi ngủ vào ban đêm. Vì vậy, uống sau bữa tối sẽ giúp duy trì chỉ số ở mức ổn định. 

Đối với một số thuốc có tác dụng an thần (Rotundin, Rodatif…) và một số thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ (Clorpheniramin, Ripratine...) nên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Trong quá trình điều trị thường thấy bệnh tăng huyết áp khó kiểm soát vào buổi sáng, nên bác sĩ thường cho bệnh nhân uống thuốc tăng huyết áp vào thời điểm này, giúp bệnh nhân ổn định huyết áp hơn.

Tóm lại, để biết lúc nào uống thuốc là tốt nhất, bệnh nhân sử dụng thuốc tốt nhất nên hỏi thông tin từ Bác sĩ kê đơn thuốc, Dược sĩ tư vấn thuốc và tự đọc kỹ bản hướng dẫn sử dụng thuốc.

 

 

                                                                                                              Tổng hợp: DS. Phạm Lý Vân Thanh.